Cục Hóa chất tiếp tục góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của ngành công nghiệp hóa chất

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Cục Hóa chất- Bộ Công Thương (2009-2019), diễn ra vào tối 19/4.

Dấu ấn trong quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất

Cục Hóa chất được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước theo quy định pháp luật về hoá chất, đồng thời đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hoá chất thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Ngay sau khi được thành lập, Cục Hóa chất đã tập trung ngay vào việc ổn định tổ chức, phát triển đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất, đồng thời tập trung vào việc xây dựng bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoá chất làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về hóa chất, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật về hóa chất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Lễ Kỷ niệm

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất chia sẻ: Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển vừa qua, Cục Hóa chất vui mừng và tự hào nhận thấy trong từng giai đoạn, dù khó khăn, thách thức, tập thể cán bộ công chức, viên chức Cục Hóa chất vẫn luôn đoàn kết, nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao, tạo được những dấu ấn trong quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất.

Cụ thể, Cục Hóa chất đã hoàn thành các mục tiêu: Quan tâm phát triển công nghiệp hoá chất; Chủ động và luôn phối hợp tốt với các đơn vị trong và ngoài bộ xử lý những nhiệm vụ có sự “giao thoa” trong chức năng nhiệm vụ với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chung của Bộ; Bám sát mục tiêu Quyết định số 61/QĐ-TTg về Chương trình Hoá dược; Kịp thời đề xuất xây dựng và ban hành các quy định pháp luật phù hợp diễn biến thực tiễn, phù hợp xu hướng quản lý hoá chất của thế giới; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia…

Về hòa thiện khung pháp lý, từ 2009 đến nay, Cục đã chủ trì xây dựng và trình ban hành 01 pháp lệnh, 09 Nghị định của Chính phủ, 14 Thông tư hướng dẫn, 06 quy hoạch phát triển ngành và rất nhiều đề án, các dự án về hóa chất. Về cơ bản đã phủ kín được quy định cần thiết trong hoạt động hoá chất. Thực hiện chủ trương cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh, các nghị định và thông tư nêu trên đã được hợp nhất thành 03 nghị định và 04 thông tư hướng dẫn thực hiện.

Một trong những điểm sáng về cải cách hành chính tại Cục Hoá chất phải kể đến thủ tục hành chính khai báo hóa chất nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. “Từ chỗ doanh nghiệp phải nộp 70.000 bộ hồ sơ giấy/năm tại Cục, sau năm ngày nhận kết quả đến nay, doanh nghiệp ở mọi nơi, mọi lúc chỉ cần vào mạng điền thông tin nhập khẩu, nhấn enter và sau 10-15 giây là hoàn thành khai báo hóa chất để làm thủ tục thông quan. Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ tiện ích này đã gửi thư cảm ơn đến Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ và Cục Hoá chất”- ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.

Thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, của bộ, Cục Hoá chất đã thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 46/130 điều kiện đầu tư kinh doanh và tiếp tục được rà soát. Trong số 22 thủ tục hành chính trong môi trường mạng ở cấp độ 3 và 4, có 02 TTHC thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (Khai báo hóa chất nhập khẩu; xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp), 02 TTHC (xuất nhập khẩu tiền chất thuốc nổ và tiền chất công nghiệp) đã sẵn sàng khi hạ tầng kỹ thuật mạng của Tổng Cục Hải quan đủ điều kiện vận hành.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất báo cáo thành tựu 10 năm của Cục Hóa chất tại Lễ kỷ niệm

Bên cạnh đó, Cục Hóa chất là một trong những đơn vị mạnh trong công tác hợp tác quốc tế. Trong suốt 10 năm qua, Cục luôn tìm tòi, khai thác cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức trẻ tham gia các khóa đào tạo về quản lý hóa chất với các nước có hệ thống quản lý hóa chất tiên tiến như Thụy Điển, Nhật Bản, …tham gia các diễn đàn quản lý hóa chất khu vực, các khóa đào tạo thanh sát, an toàn an ninh hóa chất, kiểm soát hàng xuất khẩu, tiếp cận chiến lược quản lý hóa chất quốc tế SAICM. Đây là một trong những điểm mạnh cần được phát huy.

Cục Hóa chất cũng đã tích cực triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia về phát triển công nghiệp hóa dược và đạt được thành tích đáng kể với mục tiêu tạo ra những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kết hợp với việc nhập, làm chủ và sử dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài để sản xuất nguyên liệu hóa dược làm thuốc; đẩy mạnh sản xuất thử sản phẩm, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới, sản phẩm mới và ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất để tạo ra những nguyên liệu hóa dược có chất lượng cao phục vụ sản xuất thuốc thiết yếu ở trong nước…

Kiên trì và quyết tâm với định hướng, mục tiêu quản lý, phát triển ngành, thời gian qua Cục đề xuất nhiều giải pháp tham mưu Lãnh đạo Bộ, với Chính phủ để tháo gỡ, hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp hóa chất thua lỗ. “Đây là những việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ nhưng với trách nhiệm và nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, Cục Hoá chất đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp thua lỗ, sản xuất kinh doanh có dấu hiệu thuận lợi hơn. Trong đó, Công ty cổ phần DAP-Vinachem Đình Vũ đã thoát lỗ, có lãi từ năm 2017 đến nay và dự kiến được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương”- Ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Hướng tới mô hình quản lý chuyên ngành, chuyên sâu về hóa chất

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhận thức rõ những cơ hội và thách thức, Cục Hóa chất đặt ra định hướng phát triển trong giai đoạn tới là: Đổi mới, đoàn kết phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, đưa Cục Hóa chất trở thành một cơ quan quản lý chuyên ngành, chuyên sâu về hóa chất,đáp ứng xu hướng quản lý hóa chất thể giới.

Thực hiện theo định hướng phát triển này, Cục tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình quản lý, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý và điều hành, tiếp tục thực hiện cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là: Đổi mới mạnh mẽ hệ thống quản lý, điều hành, tham khảo và áp dụng mô hình quản lý hóa chất tiên tiến của các nước trên thế giới; Quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo môi trường làm việc tốt nhất. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng chuyên nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức; Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý hóa chất theo hướng quản lý hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất. Bên cạnh đó cải cách hành chính, hiện đại hóa môi trường làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Cục; hoàn thiện và nâng cấp các phần mềm quản lý văn bản trong Cục; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất; Tiếp tục hỗ trợ và có các giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hóa chất, ngành công nghiệp hóa dược; Tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hóa chất.

Với kết quả ấn tượng trong thời gian qua, Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận những đóng góp của Cục Hóa chất, cụ thể Cục đã xây dựng được nền tảng quản lý hóa chất bài bản, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương từng bước đáp ứng xu hướng quản lý hóa chất trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia như báo cáo đã nêu, Cục Hóa chất đã rà soát, đề xuất bãi bỏ và đơn giản hóa 46/130 điều kiện sản xuất, kinh doanh (tương đương với 35,4%). Ngoài ra, Cục đã công bố ban hành mới 18 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất. Trong đó, 18/18 thủ tục hành chính được áp dụng trên môi trường mạng internet từ cấp độ 3 trở lên. “Điều này đã tạo điều kiện cho nền công nghiệp hóa chất phát triển bài bản, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của ngành công nghiệp hóa chất”- Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng nhấn mạnh: “Tôi đặc biệt đánh giá cao Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia về phát triển công nghiệp hóa dược. Cụ thể, đã đưa nhiều sản phẩm có giá trị ra thị trường với doanh thu khoảng 400 tỷ/năm, góp phần quan trọng chuyển đổi thành công kết quả nghiên cứu khoa học từ phòng thí nghiệm ra quy mô bán công nghiệp và công nghiệp bao gồm: 05 bằng độc quyền sáng chế, 41 giải pháp hữu ích đã được chấp nhận đơn; 31 bài báo quốc tế và 159 bài báo trong nước; góp phần đào tạo 28 tiến sỹ, 80 thạc sỹ, 45 cử nhân về hóa dược…”

Trong thời gian tới, Cục Hóa chất cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giúp ngành công nghiệp hóa chất phát triển tốt hơn. “Tôi mong muốn Cục Hóa chất làm thế nào tạo một kênh xúc tiến đầu tư quan trọng cho công nghiệp hóa chất. Theo đó vừa làm tốt công tác quản lý nhưng cũng triển khai tốt việc thúc đẩy phát triển, xúc tiến đầu tư ngành hóa chất”- Thứ trưởng lưu ý.

Cán bộ Cục Hóa chất chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ Công Thương tại Lễ kỷ niệm

Báo Công Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0923.170.888
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon